Cơ duyên đến với cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế

Là “dân nghiên cứu”, những cuộc thi nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kinh tế không còn xa lạ với Phương Thảo, tuy nhiên Thảo không nghĩ rằng mình sẽ thử sức đăng ký cuộc thi Olympic Kinh tế lượng nếu không có sự động viên từ giảng viên hướng dẫn.

Chủ đề cuộc thi trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Mô hình toán, kinh tế lượng có ứng dụng lập trình, thuật toán được sử dụng trong nhiều đề tài, dữ liệu được làm sạch. Với chủ đề “Does macroprudential policy foster or constraint economic growth?” (“Chính sách an toàn vĩ mô có thúc đẩy hay hạn chế tăng trưởng kinh tế không?”), để có bài thi tốt nhất, Phương Thảo cùng đồng đội – sinh viên Nguyễn Ngọc Trâm – K18A UEB-Troy đã tìm hiểu kỹ lưỡng qua sách, báo và internet những kiến thức về chính sách an toàn vĩ mô đã được dạy và học tập trên giảng đường; tìm hiểu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, các rủi ro của tổng thể tài chính nhằm giảm thiểu khả năng đổ vỡ hệ thống thông qua việc ngăn ngừa các dịch vụ tài chính có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế thực, thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực trong thời kỳ đổi mới.
 

Phương Thảo cùng đồng đội xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Olympic Kinh tế lượng

Vượt qua 123 đề tài của sinh viên đến từ 23 trường đại học trên toàn quốc, Phương Thảo và Ngọc Trâm đã xuất sắc đạt được giải Nhì cuộc thi Olympic Kinh tế lượng. Với chiến thắng thuyết phục nhờ sự bứt phá, chiến lược điều hành chính sách an toàn vĩ mô của hai em trở thành đề tài tốt nhất trong lĩnh vực Kinh tế Vĩ mô.

Hành trình tìm kiếm những thế mạnh của bản thân

Trên tinh thần không ngừng học hỏi để tăng thêm kiến thức và tích lũy kinh nghiệm thực chiến, Phương Thảo không cảm thấy áp lực khi bắt đầu cuộc thi. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành nghiên cứu, Phương Thảo chia sẻ, đôi khi em cảm thấy lo lắng về hướng phân tích của nhóm, vì bản thân em cảm thấy bài còn nhiều phần chưa thực sự nghiên cứu theo đúng ý mình và cần có thêm nhiều thời gian để phân tích sâu về đề tài.

Áp lực tạo nên kim cương - nếu chúng ta biết cách mài giũa viên kim cương của riêng mình. Phương Thảo tập trung tìm kiếm những thế mạnh của mình và khai phá nó. Với kĩ năng phân tích dữ liệu tốt, Thảo cho rằng bài nghiên cứu cần tập trung phân tích kỹ lưỡng vào các dữ liệu khuôn khổ chính sách giám sát an toàn vĩ mô. Hiểu được thế mạnh của mình, Thảo đã tận dụng những khía cạnh này cùng Trâm tìm hiểu về cách thức phân tích hiệu quả chính sách an toàn vĩ mô nhằm phát triển kinh tế – một đề tài đầy thách thức bởi vấn đề này rất nặng về thực chiến.
Phương Thảo và đồng đội “rinh” về giải Nhì Olympic Kinh tế lượng

Thảo không giấu nổi sự bất ngờ và xúc động khi được hỏi về cảm xúc sau kết quả mình nhận được. Phương Thảo bày tỏ: “Với tâm thế đi thi để học hỏi ngay từ lúc đăng ký nên việc đạt giải Nhì cuộc thi là điều không tưởng đối với em. Giây phút công bố kết quả, em đã chực trào nước mắt và không phát biểu nên lời vì quá bất ngờ. Có thể nói, đến bây giờ em vẫn chưa tin rằng mình có thể nhận được giải thưởng danh giá này.”

Phương Thảo cũng chia sẻ cuộc thi Olympic đã giúp em rất nhiều, cả về mặt kiến thức và kinh nghiệm. Về kiến thức liên ngành: với độ bao quát của đề, Thảo gần như học được những mảng quan trọng trong kinh tế vĩ mô, kế hoạch xâm nhập thị trường mới của ngân hàng. Về kỹ năng nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu: đối mặt với một thị trường mà Phương Thảo hoàn toàn chưa bao giờ nghiên cứu để đề ra được những chiến lược phù hợp với mục tiêu của đề tài.

Để có kết quả không ngờ này, Thảo và Trâm luôn nhận được những góp ý, hỗ trợ từ thầy hướng dẫn và các giảng viên trong và ngoài khoa của UEB. Điều này đã giúp các em có thêm nhiều góc nhìn và nhận xét tuyệt vời, giúp em có thể chỉnh sửa để bài viết trở nên hoàn chỉnh hơn. Thảo cho rằng nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô, em đã lĩnh hội thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm nghiên cứu và dần nuôi dưỡng đam mê của mình.

Hành trình chinh phục những “trái ngọt” của nữ sinh Khoa Tài chính - Ngân hàng

Phương Thảo đến với nghiên cứu một cách rất tình cờ khi em được thầy giáo TS. Lưu Ngọc Hiệp - Phụ trách trách nhiệm Phó trưởng khoa Khoa Tài chính - Ngân hàng dẫn dắt theo hướng nghiên cứu. Mới đầu Thảo còn do dự nhưng sau đó em đã “lấn sâu” vào con đường này.

Nỗ lực tìm tòi và học tập, Phương Thảo là một trong những sinh viên xuất sắc có thành tích học tập đáng nể. Thảo đã từng đạt thành tích “khủng” khi có bài báo khoa học được xuất bản trên Tạp chí Forum for Social Economics của Nhà xuất bản uy tín Taylor and Francis, thuộc danh mục ISI (ESCI) và SCOPUS.
Bài báo khoa học đầu tiên của Thảo được xuất bản trên Tạp chí Forum for Social Economics

Với đề tài “The impact of interest rate policy on credit union lending during a crisis period.", Thảo đã tiếp tục đạt thành tích khi có bài báo khoa học thứ hai được xuất bản trên tạp chí Finance Research Letters, thuộc danh mục SSCI.
 




Bài báo khoa học thứ hai của Thảo được xuất bản trên Tạp chí Finance Research Letters

Cô bạn tiếp tục thể hiện khả năng của mình khi giành được giải Ba Nghiên cứu Khoa học Sinh viên năm học 2021-2022. Phương pháp học của Thảo là hình ảnh hóa và sơ đồ hóa mọi thứ để tìm sự liên kết giữa các phần kiến thức với nhau. Bởi theo Thảo, các môn về Kinh tế có rất nhiều mảng mà mình cần liên kết chúng lại để khi đứng trước những câu hỏi về một vấn đề thì có thể nghĩ đến nhanh các ý cho câu trả lời.



Phương Thảo tham gia Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên năm học 2021-2022

Với tư cách là một sinh viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, Phương Thảo chia sẻ lời khuyên dành cho các bạn sinh viên đang trong hành trình đi tìm tri thức với 6 từ “Be strong, be brave, be patient”.



“Be strong, be brave, be patient” là những điều mà Thảo muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên đang có định hướng nghiên cứu

“Có lẽ, đây là 6 từ mà em học được nhiều nhất và mong muốn cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới. Làm nghiên cứu luôn có độ trễ, nếu không thực sự kiên trì, mình sẽ không thể vượt qua được sự chán nản trong suốt quá trình làm nghiên cứu.Không nhiều sinh viên chọn theo con đường này, vì vậy việc chọn một lối đi khác với số đông đòi hỏi em phải thực sự can đảm. Em đã phải học cách từ bỏ một số công việc khác để đến với nghiên cứu, tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, em vẫn cảm thấy thực sự hài lòng về lựa chọn của mình.”
Trong tương lai, Phương Thảo sẽ tiếp tục “chinh chiến” trên con đường nghiên cứu. Đặc biệt, Thảo sẽ nghiên cứu sâu hơn về môn học Kinh tế lượng, em cũng mong rằng sẽ hoàn thành tốt những bài nghiên cứu khoa học sắp tới của mình.

Chúc Phương Thảo tiếp tục thành công trên con đường tìm kiếm tri thức tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với sự hướng dẫn của các thầy cô UEB!