Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOEF 2022): Cơ hội hợp tác phát triển kinh tế xanh và sáng tạo giữa hai quốc gia
Nội dung Diễn đàn hướng tới mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế thương mại gắn với giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu giữa hai quốc gia, bên cạnh đó, sự kiện cũng là cơ hội để kết nối các đối tác thương mại dịch vụ và đầu tư của Việt Nam - Hàn Quốc, đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các đại biểu trong nước và quốc tế trực tiếp và trực tuyến
Diễn đàn có sự góp mặt của các khách mời, chuyên gia kinh tế: TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA); Ông Min MoonKi - Đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ông Hong Sun (Hong Son): Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Hàn Quốc tại Việt Nam (KSAV), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham),... Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê: Bí thư - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS.Lê Trung Thành - Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển và các giảng viên, học viên, sinh viên.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA) chia sẻ “Với sự tương đồng về văn hóa, với tinh thần khởi nghiệp cháy bỏng và với một cơ cấu kinh tế có khả năng bổ sung và tương tác, Việt - Hàn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai vì lợi ích của cả hai bên bởi chúng ta không chỉ là đối tác, mà còn là những người anh em trong đại gia đình lớn. Thông qua Diễn đàn Kinh tế & Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOEF 2022) ngày hôm nay, chúng ta sẽ góp phần quan trọng việc xây dựng và thực hiện hóa các chương trình hớp tác song phương đa lĩnh vực, đưa mạng lưới kết nối hữu nghị Việt - Hàn mở rộng khắp các tỉnh thành, trở thành đối tác tin cậy trong tương lai.”
TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA)
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng chia sẻ trong lễ khai mạc: “Hướng tới mục tiêu Quốc tế hóa giáo dục, Nhà trường đã và đang tổ chức thành công và đa dạng các diễn đàn quốc tế với mong muốn trao đổi, giao lưu văn hóa, tri thức, tìm ra hướng đi và giải pháp tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế - văn hóa, đưa đất nước Việt Nam và các đối tác chiến lược phát triển toàn diện. Bằng cả trái tim, tôi hy vọng Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOEF 2022) sẽ tạo ra những giá trị ý nghĩa, trở thành dấu ấn lịch sử, tạo tiền đề để mối quan hệ song phương giữa hai nước phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng niềm tin tuyệt đối cho đối tác từ cả hai phía, dù xa cách về địa lý nhưng luôn giữ những trái tim yêu thương ở gần nhau hơn!”.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ trong lễ khai mạc diễn đàn
Hợp tác Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc: Định hướng mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Trong phần báo cáo TS. Nguyễn Thị Phi Nga, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; GS.TS Yoon Yeo Jun, Đại học Quốc gia Pusan tại các tiểu ban (1) “Chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và Hàn Quốc”; (2) “Phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam và Hàn Quốc”; (3) “Hợp tác kinh tế văn hóa, giáo dục và thể thao Việt Nam – Hàn Quốc” các giáo sư, tiến sĩ, những giảng viên nghiên cứu hàng đầu của hai quốc gia cùng trao đổi về những nội dung chính như chính sách tăng trưởng xanh; phát triền bền vững, hợp tác đa lĩnh vực kinh tế - văn hóa - thương mại song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
TS. Nguyễn Thị Phi Nga, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với bài báo cáo “Look back to the Korean and Vietnamese culture” (Nhìn lại văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam)
GS.TS Yoon Yeo Jun, Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) với “Are Taxes Drivers of House Prices?: Cross-Country Evidence from (Advanced) Economies in APEC” (Bằng chứng về tác động của thuế đến giá nhà tại các nền kinh tế tiên tiến trong APEC)
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng trao đổi về chính sách phát triển xanh, bảo vệ môi trường - một trong những vấn đề “nóng” nhận được sự quan tâm của cả 2 quốc gia. Những thành quả và kinh nghiệm trong thực hiện Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc sẽ rất bổ ích cho các nước đang phát triển như Việt Nam, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững. Chính sách tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển xanh của Hàn Quốc mở ra cơ hội phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt - Hàn.
Khách mời và đại biểu tham dự chia sẻ về bài phiên báo cáo, rút ra những bài học thực tiễn áp dụng phù hợp với nền kinh tế Việt Nam thời đại 4.0
Bài học kinh nghiệm từ bức tranh kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong phiên toàn thể, với chủ đề “Bức tranh kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Từ kỳ tích sông Hàn và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, các diễn giả tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra những con số, bài học thiết thực từ Hàn Quốc, áp dụng thực tiễn vào mô hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Phiên thảo luận chung với chủ đề “Bức tranh kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Từ kỳ tích sông Hàn và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐQHGHN chủ trì
Trong phần này, 2 diễn giả GS.TS Lee Keunjae, Trường Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc và PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Phó trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã trình bày các vấn đề nổi bật như những thử thách trong chuyển đổi được mô hình tăng trưởng kinh tế sâu rộng, giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường và lao động đổi mới, mục tiêu vượt được khỏi bẫy thu nhập trung bình,…
GS.TS Lee Keunjae, Trường Đại học Quốc gia Pusan, Hàn trình bày tham luận với chủ đề “Bức tranh kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Từ kỳ tích sông Hàn và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”
Việt Nam đang cùng một lúc phải thực hiện hành trình kép vừa tiếp tục quá trình công nghiệp hóa đất nước hình thành những ngành công nghiệp cơ bản của một nền kinh tế để bảo đảm tính tự chủ, tự cường, lại vừa đi tắt, đón đầu hướng tới một cơ cấu kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp những xu thế hàng đầu của nhân loại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội. Chúng ta cần có những giải pháp để xây dựng một nền kinh tế không chỉ thông minh hơn, hiệu quả hơn mà còn phải nhân văn hơn, thân thiện với môi trường và hòa giải được với thiên nhiên.
Đại biểu tham dự đưa ra những chia sẻ và kiến nghị trong phiên thảo luận chung
Ra mắt ấn phẩm đặc biệt “Economic transformation of Vietnam and Korea in the 21st century towards a green and creative economy” - Kết tinh tri thức Việt - Hàn
Đặc biệt, trong Diễn đàn còn có sự kiện quan trọng, lễ ra mắt ấn phẩm đặc biệt, cuốn sách “Economic transformation of Vietnam and Korea in the 21st century towards a green and creative economy”. Cuốn sách là sự kết tinh các công trình nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế đến từ Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là ấn phẩm kỷ niệm 77 năm Quốc khách Hàn Quốc, 30 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao, nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Đồng thời, đây cũng là một trong những kết quả của mối quan hệ hơp tác nghiên cứu học thuật hữu nghị lâu dài giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các bộ ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong Diễn đàn còn có sự kiện quan trọng, lễ ra mắt ấn phẩm đặc biệt, cuốn sách “Economic transformation of Vietnam and Korea in the 21st century towards a green and creative economy”
Cuốn sách được biên soạn bằng ngôn ngữ tiếng Anh, được thực hiện 4 đồng chủ biên (PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc; PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; GS.TS. Lee Keunjae - Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc) và các nhà khoa học, các giảng viên, chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy của Việt Nam và Hàn Quốc.
Các vị đại biểu chúc mừng 4 đồng chủ biên và nhóm tác giả ấn phẩm chuyên khảo ra mắt tại Diễn đàn
Cũng trong sự kiện, BTC gửi lời cảm ơn chân thành tới các đơn vị Nhà tài trợ, góp phần tổ chức thành công Diễn đàn
Nội dung của cuốn sách tập trung đưa ra những giải pháp về các vấn đề “nóng”, nhận được sự quan tâm của cả hai quốc gia như hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số. Từ những nghiên cứu chuyên sâu, hội đồng tác giả đã đưa ra những “lời giải” hữu hiệu, tháo gỡ những nút thắt còn tồn đọng trong quá trình phát triển bền vững của hai nước. Điểm nổi bật của cuốn sách là cung cấp cho người đọc thông tin tổng hợp về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách của Việt Nam và Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực hợp tác phát triển, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Hàn Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOEF 2022) đã diễn ra thành công tốt đẹp, khẳng định năng lực kết nối và tổ chức các hội thảo quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, là điểm đến quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp, tổ chức. Hy vọng Diễn đàn đã mang đến góc nhìn tổng quát hơn về nền kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, đưa ra những kiến nghị chính sách phù hợp đóng góp cho sự phát triển bền vững của hai đất nước trong tương lai.
Dự kiến năm 2023, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục tổ chức các Diễn đàn Kinh tế & Thương mại giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu, với các quốc gia khác để tiếp tục mở rộng “sân chơi” cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng nhau đóng góp trí tuệ, đưa ra các khuyến nghị chính sách giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói riêng và các quốc gia, khu vực nói chung.